SÁNG KIẾN ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THẤT THOÁT
Sáng ngày 13/03/2024, Tổng Giám đốc Hồ Minh Nam đã chủ trì buổi trao đổi đánh giá sáng kiến ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác phòng chống thất thoát do Anh Lê Vũ Huy, Kỹ sư ngành Kinh tế Xây dựng và Quản lý dự án hiện đang là Trưởng nhóm chăm sóc khách hàng công tác tại XNCN Thanh Khê thực hiện đề tài “Ứng dụng các thiết bị IoT trong công tác chống thất thoát”.
Trong quá trình thực hiện công tác chống thất thoát, Anh Vũ Huy hiểu được các thiết bị đo đếm thông minh (đồng hồ điện từ, điện tử) là một thiết bị then chốt trong việc phân tích, phát hiện, xử lý và duy trì tỷ lệ thất thoát. Tuy nhiên với giá thành tương đối cao, giá trị kiểm tra về thời gian thực và quá trình lắp đặt, cấu hình còn tồn tại một số bất cập trong việc kiểm tra nhanh lưu lượng cho từng khu vực, từng cụm hoặc từng kiệt xóm.
Để giải quyết các vấn đề đó, Anh Vũ Huy đã đề xuất ứng dụng một số thiết bị IoT (kết nối qua Wifi và sóng Lora) đi kèm với phương pháp kiểm tra mới nhằm giúp việc khoanh vùng, kiểm tra và xử lý các điểm rò rỉ cơ học trên mạng lưới trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Được sự ủng hộ và tạo điều kiện của lãnh đạo XNCN Thanh Khê, cùng sự hỗ trợ từ Ban chỉ đạo phòng chống thất thu thất thoát, sau một thời gian nghiên cứu và triển khai tại hiện trường, bộ thiết bị này đã được hoàn thiện. Tại buổi trình bày nguyên lý và ra mắt sản phẩm, qua thiết bị mô phỏng, Anh Vũ Huy đã trình bày cách thức làm việc, khả năng chia sẻ thông tin từ thiết bị lên web, điện thoại. Kết hợp với các kết quả đã thực hiện ở một số kh vực thí điểm để củng cố tính khả thi của sáng kiến.
Kết quả thực tế tiến hành kiểm thử tại kiệt 173 Trần Cao Vân bảng phân tích kết quả kiểm tra nhanh lưu lượng và phương án kiểm tra như sau:
Có thể thấy khu vực thí điểm có lưu lượng tức thời thấp nhất luôn là 0,34m3/h trong khi lưu lượng ghi thu trung bình chỉ là 0,31m3/h nên nhóm CSKH có thể kết luận ngay tuyến ống này có khả năng bị rò rỉ.
Trước đây, khi kiểm tra thất thoát một tuyến kiệt, nhóm CSKH cùng với phải đào pá nền đường để lắp đặt đồng hồ đầu tuyến, kiểm tra lưu lượng theo giờ hoặc ngày sau đó so sánh với lưu lượng trung bình hoặc lưu lượng ghi đọc thực tế để đưa ra kết luận. Với thiết bị này, quan sát lưu lượng tức thời về giá trị 0,0 m3/h (l/ph) lập lại trên 2 lần, ta có thể kết luận ngay là tuyến kiệt này không thất thoát.
Trước sáng kiến này, các bộ phận liên quan bao gồm KH KT, CNTT, TT QLVH đã vô cùng hào hứng và nhận định đây là một giải pháp thật sự hiệu quả và có tính khả thi cao. Các bộ phận đã có những phản biện và góp ý để giải pháp được hoàn thiện và tối ưu nhất. Anh Nguyễn Trường Ảnh, Trưởng tiểu ban phòng chống thất thoát, thất thu nước sạch của HĐQT đã đánh giá giải pháp này rất hay và đề nghị ứng dụng dùng trong quản lý nội bộ để cải tiến quy trình kiểm tra và xử lý rò rỉ trong mạng lưới, giảm tỷ lệ thất thoát kịp thời.
Ghi nhận những kết quả bước đầu do thiết bị mang lại, Tổng giám đốc Hồ Minh Nam đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm và ý thức đóng góp sáng kiến, có sự tâm huyết đầu tư vào thiết bị để cải tiến hiệu quả công việc trong công tác chuyên môn của Anh Vũ Huy và đề nghị Anh Vũ Huy phối hợp cùng với Ban KHKT, TT QLVH, TT CNTT để xây dựng và đăng ký sáng kiến để ứng dụng thiết bị này vào công tác phòng chống thất thoát và đăng ký sáng kiến cho năm 2024 và hoàn thiện Báo cáo sáng kiến và Bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng gồm lý thuyết và đào tạo thực tế tại hiện trường ứng dụng cho đội ngũ Trưởng nhóm CSKH và lãnh đạo phụ trách công tác CSKH tại các XNCN, quá trình thực hiện có vướng mắc sẽ có cải tiến để tiếp tục hoàn thiện bộ sản phẩm tối ưu nhất.
Có thể nói, giải pháp này thật sự là một ý tưởng đột phá có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý và là một ý tưởng rất đáng hoan nghênh và là tấm gương điển hình cần nhân rộng trong toàn thể CB CNV của Công ty để ngày càng có thêm nhiều giải pháp cải tiến tận dụng ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững và không bị bỏ lại phía sau trong thời đại kết nối internet vạn vật (IoT) hiện nay.
Phương Lê