DAWACO – Tăng cường chú trọng công tác đảm bảo an ninh nguồn nước thô và nước sạch.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến nguồn nước tự nhiên ngày càng thiếu hụt ảnh hưởng đến nguồn nước thô phục vụ cho sản xuất của nhà máy nước, thêm vào đó việc đảm bảo an ninh nguồn nước thô đầu nguồn không bị ô nhiễm, không bị tác động bởi nhiều lý do đang là một thách thức cho các đơn vị cung cấp nước sạch. Có thể thấy rằng, từ sự cố nguồn nước thô tại hồ đầu nguồn bị đổ dầu thải trái phép ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất tại nhà máy nước Sông Đà, mới thấy việc đảm bảo an ninh nguồn nước tại đầu nguồn là trách nhiệm chính và là một công tác luôn được tăng cường chú trọng đối với các đơn vị cấp nước trên cả nước.
Tăng cường công tác an ninh nguồn nước đảm bảo sứ mệnh phục vụ dân sinh
Đối với Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), công tác này luôn luôn được lãnh đạo Công ty đặc biêt quan tâm và chú trọng trong việc đầu tư các hệ thống giám sát và công tác quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Được biết, hiện nay nguồn nước thô phục vụ chính cho sản xuất tại Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ và Sân Bay của Dawaco chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt sông Cẩm Lệ (hạ lưu của Sông Yên); còn lại là từ nguồn nước suối Lương cho NMN Hải Vân; nguồn nước Suối Đá (Trạm Sơn Trà 1) và suối Tình (Trạm Sơn Trà 2) cho NMN Sơn Trà; và thượng nguồn sông Cẩm Lệ cho Trạm cấp nước Phú Sơn và nguồn nước suối Khe Lạnh cho Trạm cấp nước Khe Lạnh. Khi nguồn nước sông Cẩm Lệ tại cửa thu Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, Dawaco sẽ giảm việc thu nước sông Cẩm Lệ và bổ sung nước từ trạm bơm phòng mặn An Trạch (lấy từ nguồn nước mặt Sông Yên) cho NMN Cầu Đỏ và Sân Bay.
Việc quản lý chất lượng các nguồn nước thô trên cấp cho các nhà máy, trạm cấp nước và nước sạch cấp vào hệ thống cấp nước thành phố luôn luôn được trải qua các quy trình nghiêm ngặt như xét nghiệm chất lượng nước thô và nước sạch trước khi đưa vào vận hành sản xuất theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, còn thực hiện xét nghiệm chất lượng nước thô định kỳ, đột xuất để đánh giá nguồn nước; xét nghiệm hằng giờ các chỉ tiêu độ đục, độ mặn, pH (độ màu và mùi đánh giá bằng cảm quan) của nước thô và nước sau xử lý; vệ sinh công nghiệp và giám sát các bất thường của nguồn nước thô tại cửa thu nước kiểm tra hàng giờ, theo dõi liên tục và ghi nhận kết quả đo (15 phút/lần) các chỉ tiêu độ đục, độ mặn, pH bằng các thiết bị giám sát chất lượng nước online; hợp đồng với đơn vị bên ngoài xét nghiệm 36 chỉ tiêu nước thô của NMN Cầu Đỏ theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT; định kỳ hàng tháng xét nghiệm 10/36 chỉ tiêu nước thô tại Phòng xét nghiệm nước của Dawaco; Định kỳ hàng tuần xét nghiệm 15 chỉ tiêu nhóm A nước thành phẩm của tất cả các nhà máy và trạm cấp nước của Dawaco, ngoài ra hàng tuần còn cử cán bộ đến lấy thêm 21 mẫu nước (từ tháng 10/2019 lấy 25 mẫu) tại nhà dân ở các khu vực đầu nguồn, cuối nguồn và các khu vực đông dân cư để xét nghiệm các chỉ tiêu này; đối với việc xét nghiệm 16 chỉ tiêu nhóm B (thực hiện 6 tháng/lần), 78 chỉ tiêu nhóm C (thực hiện 2 năm/lần) cho các mẫu nước thành phẩm của các nhà máy và trạm cấp nước được Công ty hợp đồng với Viện y tế Công cộng TP HCM vàTrung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 xét nghiệm; xét nghiệm chất lượng nước sạch tại mạng lưới đường ống theo định kỳ hàng tuần và đột xuất theo kiến nghị của khách hàng hoặc theo yêu cầu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, định kỳ xúc sả tuyến ống v.v…để duy trì và đảm bảo chất lượng nước đúng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Tất cả các kết quả kiểm nghiệm nước thành phẩm được công khai trên website Công ty và báo cáo định kỳ cho các cơ quan liên quan theo thông tư 41/2018/TT/BYT. Việc lập, tổ chức quản lý hồ sơ theo dõi về hóa chất, kết quả thử nghiệm, xét nghiệm, mẫu lưu, được lưu trữ hồ sơ đầy đủ.
Qua trao đổi với lãnh đạo Công ty, Dawaco khẳng định thêm: “Chúng tôi đảm bảo Dịch vụ cấp nước của mình khi đưa tới người dân phải được kiểm soát, đảm bảo theo quy định tại QCVN 01:2009/BYT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống” và Thông tư 41/2018/TT-BYT “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt” của Bộ Y tế. Ngoài công tác ngoại kiểm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thì công tác nội kiểm tại các NMN Cầu Đỏ và NMN Sân Bay luôn đảm bảo công nghệ chuẩn, tuân thủ đúng quá trình sản xuất nước nên khách hàng có thể yên tâm về điều này”.
Để tăng cường công tác an ninh nguồn nước, Dawaco còn đang thực hiện đầu tư và đăng ký công nhận đạt chuẩn cho “Trung tâm phân tích kiểm nghiệm và áp dụng hệ thống quản lý phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017”, là một trong những trung tâm đầu tiên của KV Miền Trung và Tây Nguyên, sẽ hoàn thành hồ sơ đánh giá công nhận vào cuối năm 2019. Dự kiến trong thời gian tới, Dawaco sẽ đầu tư thêm các công cụ giám sát trực tuyến như lắp đặt camera tại vị trí cửa thu, tăng cường nhân lực đi giám sát định kỳ dọc tuyến sông Cẩm Lệ, sông Yên, phối hợp với các đơn vị quản lý tại địa phương để tổ chức các bảng hiệu cảnh báo tại các vị trí nguồn nước thô trong phạm vi quản lý của Dawaco nhằm tuyên truyền và vận động sự chung tay của người dân trong công tác theo dõi và tố giác các hành vi có yếu tố phá hoại, phối hợp với các cơ quan quản lý môi trường đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ hệ thống nước thải tại các khu công nghiệp lân cận tại hạ lưu sông Cẩm Lệ, phối hợp cùng các cơ quan chức năng của thành phố để xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT); tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn …
Tăng cường đầu tư các công trình trọng điểm
Riêng trong năm 2018, 2019, Dawaco đã sớm triển khai dự án nâng công suất NMN Cầu Đỏ phân kỳ 1 thêm 60.000 m3/ngày, thi công vào tháng 6 năm 2018 và đến tháng 9 năm 2019 đã đưa vào vận hành; đầu tư NMN Hồ Hòa Trung công suất 10.000 m3/ngày, thi công vào tháng 7 năm 2018 và hiện nay đang vận hành kỹ thuật để sớm đưa vào vận hành tháng 10 năm nay. Dự kiến tháng 11 sắp tới, Dawaco sẽ tiếp tục khởi công dự án nâng công suất NMN Cầu Đỏ phân kỳ 2 thêm 60.000 m3/ngày; đầu tư các Diuke qua Sông Hàn, sông Cầu Đỏ bằng các phương pháp thi công hiện đại, tiết kiệm chi phí và hiệu quả cao góp phần cung cấp bổ sung thêm nhu cầu cho các Quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, đầu tư nâng công suất NMN Hồ Hòa Trung giai đoạn 2 thêm 10.000 m3/ngày tăng cường cho khu vực phía Tây bắc của thành phố …
Đối với công tác phòng mặn , để thật sự chủ động ứng phó với sự cố bất khả kháng này, Dawaco đã phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Mới đây tại “Hội thảo Giải pháp cấp nước và thoát nước đô thị bền vững” do UBND thành phố tổ chức ngày 12/10/2019 vừa qua, TS Hoàng Ngọc Tuấn – Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Trung và Tây Nguyên đề xuất giải pháp khả thi đó là xây dựng một công trình đập ngăn mặn cách hạ lưu nhà máy nước cầu Đỏ 200m và vẫn đảm bảo điều kiện về địa hình, địa chất thuận lợi. Ưu thế của giải pháp này là có thể ngăn mặn một cách chủ động không cần đến sự can thiệp từ phía thượng nguồn… Ngoài ra, Dawaco còn tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế như Manila Water Asia Pacific của Philipines để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để góp phần giảm tỷ lệ thất thoát trên hệ thống cấp nước, đầu tư các giải pháp công nghệ hiện đại tại các nhà máy nước mới để đảm bảo chất lượng nước sạch đưa vào hệ thống.
Có thể thấy, với quyết tâm cấp nước an toàn và bền vững cho những năm sắp tới, Dawaco đã chuẩn bị xong các cơ sở hạ tầng cho việc cấp nước, khai thác thêm nhiều nguồn nước khác nhau và liên tục có phương án, kịch bản khác nhau cho việc cấp nước an toàn, thường xuyên trao đổi, phối hợp với thủy điện trên thượng nguồn có kế hoạch điều tiết xả nước hợp lý.. Hy vọng rằng, với những công tác tăng cường như trên của Dawaco đã và đang phụng sự cho khách hàng của mình ngày một tốt hơn và khẳng định được trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân./.
Những kết quả đạt được sau 3 năm CPH (29/10/2016-29/10/2019):
- Cơ bản đáp ứng công suất cấp nước bình quân mỗi ngày đêm từ 280.000 m3/ngày – 310.000 m3/ngày cho nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp;
- Thực hiện thành công đề án dừng thu tiền nước tại nhà và chuyển sang thu hộ tiền nước qua ngân hàng và đối tác thu hộ;
- Tiến hành công tác đọc chỉ số đồng hồ trong 10 ngày đầu tiên của tháng, không phát hành hóa đơn cho khách hàng sử dụng nước dưới 10 m3/quý để tạo sự thuận lợi cho khách hàng.
- Đang xây dựng kế hoạch Tổng đài chăm sóc khách hàng Call Center để hỗ trợ kịp thời các vướng mắc của khách hàng, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2020.
- Duy trì ổn định và phát huy năng lực sản xuất và tiêu thụ đạt mức tăng trưởng bình quân từ 10% mỗi năm trở lên, đặc biệt năm 2019, Dawaco được xếp hạng 713 trong Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Theo thống kê của Tổng Cục thuế vừa công bố ngày 18/10/2019).
Đây là những tín hiệu đáng ghi nhận cho sự nỗ lực thầm lặng và sự điều hành năng động và hiệu quả của bộ máy lãnh đạo Công ty sau thời gian CPH, là động lực cho Dawaco tiếp tục phát huy những chủ trương, chính sách điều hành trong thời gian tới.
Lãnh đạo Công ty phân tích các khả năng ứng phó khi gặp các sự cố khẩn cấp ảnh hưởng đến chất lượng nước tại cuộc họp HĐQT ngày 24/10/2019
Thi công công trình Diuke qua sông Hàn bằng công nghệ tiên tiến khoan kéo ống (ngày 24/ 9/2019)
Tổng giám đốc Dawaco đi khảo sát sông Dakmi để kiểm tra nguồn nước thô trên thượng nguồn ngày 25/10/2019.
Phương Lê